Ở mỗi chương, tác giả đưa ra các chủ đề nhỏ, thông qua từng mẩu chuyện cụ thể, thể hiện góc nhìn của gen Z về chặng đường tìm kiếm công việc thích hợp, gắn bó. Không chỉ "bóc trần" điểm mạnh, yếu của gen Z ở môi trường công sở, phản ánh tưởng tượng và thực tế luôn có sự khác biệt, tác giả còn chỉ ra cách giúp họ ứng xử thích hợp, văn minh để tồn tại, phát triển công việc lâu dài, thăng tiến.
Trần Hùng Thiện cho biết các vấn đề anh nêu ra xuất phát từ quan sát, trải nghiệm thực tế trong 20 năm đi làm và khởi nghiệp. Tác giả từng trải qua chặng đường từ sinh viên mới tốt nghiệp, vất vả đi xin việc nhiều nơi, rồi mới trở thành nhân viên xuất sắc của tập đoàn lớn, sau đó lên vị trí quản lý, mở công ty riêng. Quá trình tiếp xúc với các nhân viên trẻ giúp Trần Hùng Thiện có góc nhìn rõ nét hơn. Theo anh, những người trẻ hiện tại có sự sáng tạo, tự tin, giỏi công nghệ, chuyên môn. Tuy nhiên, họ cần thêm sự dẫn dắt để trở thành một nhân viên tốt, xa hơn là đảm nhận các vị trí lãnh đạo, khởi nghiệp trong tương lai.
Tác giả sử dụng ngôn ngữ đơn giản, có phần hóm hỉnh, kết hợp hình minh họa hài hước, truyền thông điệp người trẻ cần kiên trì, quyết tâm, đừng dễ bỏ cuộc trước thử thách.
“Thế nên các bạn ạ, nếu một lúc nào đó các bạn thấy mình tệ quá hoặc chẳng tiến bộ gì cả, đừng bỏ cuộc mà hãy dũng cảm đối đầu với nó. Phân tích tại sao và giải pháp như thế nào. Hãy nói với sếp về cảm giác của mình. Sếp sẽ cho một liều hoặc thuốc đặc trị hoặc thuốc bổ, kiểu gì cũng sẽ khỏe hơn thôi.”
“Bởi không phải vô tình người ta thiết kế ra bốn năm đại học. Có học, dù sao vẫn tốt hơn rất nhiều. Đó, em thấy rồi đó. Kiểu gì em cũng về đích thôi mà. Nên là, vấn đề không phải là em chọn sai ngành mà cách em đối diện với sai lầm này. Và học từ vấp ngã từ khi còn rất trẻ này, cũng là một cách để em trưởng thành nhanh hơn đó.”